HỒNG TRẦN PHÔI PHA

MỖI LẦN NGÓ LẠI MƯỜI NĂM, MƯỜI LẦN NGÓ LẠI HỒNG TRẦN PHÔI PHA…

HỌC ASSIMIL – DẠY ASSIMIL

5 Comments

41PSVZRGC9L._SY300_          Sau tiếng Anh và tiếng Pháp, tôi được bước vào thế giới muôn màu của ngôn ngữ qua bộ sách của nhà xuất bản Assimil. Ngoài cuốn L’Espagnol sans peine, tôi tiếp tục lùng kiếm trong các chỗ bán sách cũ và lần lượt mua được các cuốn l’Allemand sans peine, le Russe sans peine Italian without Toil . Đó là chưa kể hai cuốn tiếp nối la Pratique de l’espagnol la Pratique de l’allemand cũng của cùng một nhà xuất bản. Bộ sách này đã giúp những người tự học ngoại ngữ như tôi có một căn bản vững chắc, một kiến thức văn phạm tổng quát và khả năng sử dụng một thứ tiếng nặng về phần đàm thoại. Tôi đã học thuộc lòng bốn trong các cuốn sách kể trên, nên cho đến bây giờ thỉnh thoảng những câu nói trong những cuốn sách đó vẫn chợt hiện lên trong trí nhớ của tôi. Chắc nhiều bạn đã từng học qua bộ sách này cũng đồng ý với tôi là bộ sách đã đạt được mục tiêu mà nó đề ra: Đó là giúp người học có được khả năng dùng thứ tiếng mình chọn mà không cảm thấy nhọc nhằn gì cả!

Có những điều xảy đến trong cuộc sống của chúng ta mà nếu lùi lại vào quá khứ, chúng ta không thể nào tưởng tượng được chúng sẽ xảy ra. Nói theo kiểu người Mỹ là “Not in a million years could I have believed something like that would happen!” Vậy thì điều gì đã xảy ra cho tôi? Ngày xưa tôi học bộ Assimil ở Việt Nam, nhưng chắc trong một triệu năm nữa tôi cũng không thể nào tưởng tượng ra rằng có một ngày tôi lại đứng trên bục giảng của một trường đại học ở Mỹ để dạy lại bộ sách đó! Cơ duyên đã đến với tôi trong thời gian 12 năm tôi dạy ở California State University, Long Beach. Ở đó, tôi dạy chính là về ngôn ngữ học Tây-ban-nha. Nhưng một hôm vị giáo sư phụ trách về tiếng Pháp gọi tôi đến và đề nghị tôi cộng tác với một chương trình thử nghiệm mới. Đó là chương trình “Dạy tiếng Pháp cho người nói tiếng Tây-ban-nha” (L’enseignement du français aux hispanophones). Chương trình này dựa theo một số lý thuyết ngôn ngữ-giáo dục học. Theo đó, khi dạy một ngoại ngữ cho một nhóm người nói một thứ tiếng có cùng một gốc với ngoại ngữ đó, người ta có thể lợi dụng những điểm giống nhau của hai thứ tiếng để chỉ dạy lướt qua, trong khi đặc biệt chú trọng vào những điểm khác nhau của hai bên, và nhất là những điểm tưởng là giống mà thật ra là khác (les faux amis). Về phần mình, tôi cũng tìm tòi ra được một lý thuyết ủng hộ ý tưởng này của Prator, một nhà ngôn ngữ học người Mỹ. Lý thuyết của Prator đã được trình bày vào năm 1967, nhưng đến bây giờ vẫn có thể áp dụng vào chương trình của chúng tôi được. Đại khái Prator đưa ra một thang mức độ khó khăn từ thấp đến cao cho người học một thứ tiếng mới (Hierarchy of Difficulty). Nếu hai thứ tiếng giống nhau hoàn toàn về một điểm nào đó thì mức độ khó khăn cho người học là 0. Hay hai thứ tiếng có chung một khái niệm nhưng lại khác nhau về chi tiết thì mức độ khó khăn là 1. Cứ thế mức độ khó khăn có thể lên đến 5, lúc hai thứ tiếng có nhiều điểm khác nhau.

Tưởng gì chứ được dạy thêm tiếng Pháp ngoài tiếng Tây-ban-nha là một điều nằm ngoài mơ ước của tôi! Lúc còn học chương trình ngôn ngữ học các thứ tiếng gốc La-tinh, ngoài tiếng chính là Tây-ban-nha, tôi đã phải học thêm ba thứ tiếng khác theo đòi hỏi của chương trình là Pháp, Ý và Bồ-Đào-nha. Mỗi thứ tiếng này sinh viên trong chương trình phải học xong một năm (ba học kỳ). Tiếng Ý và tiếng Bồ-đào-nha thì quá mới mẻ đối với tôi. Tôi chỉ học để đáp ứng yêu cầu của ngành học. Còn tiếng Pháp thì tôi đã học từ khi còn ở Việt Nam, rồi lại học thêm nhiều lớp văn chương ở bậc cử nhân, và tôi còn làm nghiên cứu một bài về ngôn ngữ học tiếng Pháp sau này nữa, nên việc dạy thứ tiếng này, mặc dù là lần đầu tiên, cũng không đến nỗi là một việc quá sức mình.

Chương trình thử nghiệm dạy tiếng Pháp cho người nói tiếng Tây-ban-nha này được sự hỗ trợ (và tài trợ) của chính phủ Pháp, thông qua tòa lãnh sự Pháp ở Los Angeles. Để bắt đầu, tôi phải viết một bản đề nghị mở loại lớp này và đệ trình lên trường đại học, với sự chấp nhận của khoa. Trong bản đề nghị này, tôi trình bày mục đích của chương trình, các phương pháp giảng dạy và thư mục về tài liệu dùng để giảng dạy. Việc khó nhất là tìm một cuốn sách giáo khoa cho lớp. Sách dạy tiếng Pháp bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh thì ở Mỹ không thiếu, nhưng sách dạy tiếng Pháp bằng tiếng Tây-ban-nha thì hầu như không có. Tôi tìm nát các thư mục trong thư viện đại học Mỹ mà chỉ thấy lèo tèo vài cuốn  xuất bản từ thập niên 1950! Sau đó ,tôi tìm qua các thư mục ngay ở Pháp, Tây-ban-nha và cả một số nước nói tiếng Tây-ban-nha ở châu Mỹ La-tinh mà cũng không sao tìm được loại  sách mình muốn tìm. Cuối cùng, trong niềm tuyệt vọng, một ý nghĩ bỗng loé lên trong đầu tôi: “Ủa, sao mình lại không tìm thử bộ sách Assimil nhỉ?” Thế là tôi hăng hái đi tìm Assimil. Tất nhiên là bộ sách này phải có cuốn Le français sans peine rồi. Tôi chỉ việc kiếm cuốn dạy bằng tiếng Tây-ban-nha thôi. Bộ sách này không có bán ở Mỹ. Vì vậy, mùa đầu tiên dạy lớp này tôi cũng khá vất vả. Tiệm sách của trường phải  đặt mua thẳng bên Pháp. Giá sách nhập cảng khá mắc và sách gởi qua Mỹ cũng chậm chạp. Đó là những trục trặc nhỏ trong bước đầu. Sinh viên của tôi phần lớn là người gốc Mỹ châu La-tinh; một số ít là thuộc các quốc tịch khác đã có một số vốn vững vàng về tiếng Tây-ban-nha. Trong lớp, tôi giảng bài phần lớn bằng tiếng Pháp. Khi so sánh văn phạm, phát âm hay từ vựng giữa tiếng Pháp và tiếng Tây-ban-nha, nếu cần, tôi giảng thêm bằng tiếng Tây-ban-nha. Kẹt lắm tôi mới dùng tiếng Anh (thật ra cũng có những điểm tiếng Tây-ban-nha không giống tiếng Pháp mà lại giống tiếng Anh mới thú vị chứ!). Chẳng hạn như muốn nói hai người sinh viên đầu tiên thì tiếng Pháp nói là les deux premiers étudiants (số đếm nằm trước số thứ tự), trong khi tiếng Tây-ban-nha và tiếng Anh lại để số thứ tự trước số đếm: los primeros dos estudiantes/the first two students. Thành thử tiếng Anh cũng đóng một vai trò có ích trong lớp. Trong thời gian tôi dạy các lớp này, tôi thường tham dự những buổi thuyết trình ở nhiều trường đại học quanh vùng, trong đó tôi và một vài đồng nghiệp cùng nhau giới thiệu về chương trình thử nghiệm mới này. Chúng tôi đến toà lãnh sự Pháp để họp và trao đổi kinh nghiệm với nhân viên đặc trách về chương trình. Sau đó, những nhân viên này, mà đa số là những nhà giáo dục, đến dự giờ chúng tôi dạy để xem các lớp tiếng Pháp này học hành dạy dỗ ra làm sao. Các bạn thử tưởng tượng một người Việt như tôi mà phải dạy tiếng Pháp bằng tiếng Tây-ban-nha trước mặt năm, sáu vị giáo sư thứ thiệt, toàn là bà đầm ông tây chính hiệu con gà trống Gô-loa! Tôi còn nhớ lúc ấy người tôi cứ như lên đồng, nửa mê nửa tỉnh, phải vận dụng hết nội công mà liến láu nói tiếng Pháp để cho họ tưởng mình cũng là thứ… thiệt như họ! Cũng may Trời thương phật độ, cuối giờ họ cũng khen làm tôi hú hồn hú vía. Sau lần đó họ còn dự một giờ khác trong đó tôi dạy chung với một giáo sư đồng nghiệp (người Đức dạy tiếng Pháp!).

USC

          Như vậy, việc tôi dạy tiếng Pháp qua cuốn Assimil cũng không hẳn là “một giấc mơ thành sự thật”, vì tôi có bao giờ dám mơ được thế đâu. Phải gọi đó là một giấc mơ kỳ thú mà trong một đời người chắc chỉ có một lần được tìm thấy. Hiện nay, tôi không còn dạy ở trường đại học đó nữa, và chương trình dạy tiếng Pháp cho người nói tiếng Tây-ban-nha vẫn tiếp tục. Tôi vẫn thường xuyên nhận thư điện tử của toà lãnh sự Pháp thông báo về những sinh hoạt của họ. Một lần, vị giáo sư phụ trách chương trình tiếng Pháp đó có đến trường đại học tôi đang dạy để giới thiệu về chương trình có một không hai trong các trường đại học ở Hoa Kỳ này. Hôm đó vì bận tôi không đến tham dự. Một đồng nghiệp của tôi (dạy tiếng Pháp và tiếng Ba-tư) có đến dự. Cô này và tôi có cùng một văn phòng, khá thân thiết với nhau. Cô bảo hôm ấy bà giáo sư có nhắc đến tên tôi như là một trong những người tiên phong trong chương trình mới mẻ này. Nghe qua tôi thấy cảm động quá. Ít ra người ta cũng còn nhớ đến mình. Tôi mới hỏi thăm cô bạn đồng nghiệp xem họ có nói hiện giờ đang dùng cuốn sách giáo khoa nào để dạy không. Cô bảo họ nói hiện giờ họ dùng một cuốn tiếng Pháp bình thường (dạy bằng tiếng Anh) chứ không còn dùng cuốn Assimil tôi dùng nữa. Tuy nhiên, họ có soạn một cuốn cẩm nang dùng kèm theo để hướng dẫn cách dạy tiếng Pháp cho người nói tiếng Tây-ban-nha. Tôi hỏi cô bạn: “Cô còn nhớ lâu nay tôi vẫn rủ cô viết chung một cuốn sách giáo khoa tiếng Pháp cho người nói tiếng Tây-ban-nha không?” Tôi bảo có một chương trình tiền phong như vậy là rất hay, nhưng lại chưa có một cuốn sách chính thức để dùng thì thật là đáng tiếc. Ngày trước, tôi chọn cuốn Assimil vì không có chọn lựa nào khác. Dạy qua cuốn đó trong hai ba mùa liên tiếp, tôi mới nhận ra rằng bộ sách Assimil chỉ hữu ích cho những người tự học mà thôi. Nó đặt nặng về đàm thoại, văn phạm trình bày không mạch lạc, chủ đề thì không rõ ràng, và bài tập  chỉ có một kiểu là dịch xuôi và dịch ngược chứ không muôn hình vạn trạng như một cuốn sách giáo khoa ngoại ngữ chính thống ở các trường đại học Mỹ. Cuốn Assimil, trung thành với tựa đề của nó là  [Le…] sans peine (Học tiếng […] không thấy mệt!), được trình bày như một cuốn truyện, học thì thoải mái, có vẻ tài tử, nhưng không áp dụng hữu hiệu được vào không khí học hành có quy củ của sinh viên đại học. Vì thế mà lâu nay tôi rất muốn viết một cuốn giáo khoa đáp ứng nhu cầu đặc biệt của sinh viên nói tiếng Tây-ban-nha muốn học tiếng Pháp. Cô bạn đồng nghiệp của tôi có một cô bạn đồng nghiệp khác. Cô này là người gốc Đông Âu nhưng lớn lên và đi học ở Pháp, hiện giờ đang dạy tiếng Pháp trong trường của chúng tôi. Cô có bằng tiến sĩ về Giáo dục học. Tôi bảo cô bạn tôi nên nói chuyện với cô này đi, rủ ba người cùng hợp tác viết cuốn sách đó. Tôi phân tích: “Cô thấy không? Đây sẽ là một sự kết hợp thật hoàn hảo. Cô có bằng tiến sĩ về văn chương Pháp, cô bạn của cô có bằng cao học tiếng Pháp và bằng tiến sĩ Giáo dục, còn tôi cũng biết tiếng Pháp và chuyên về ngôn ngữ học tiếng Tây-ban-nha. Đây là một sự kết hợp tuyệt vời, bảo đảm cho nội dung và kết cấu của cuốn sách!” Trong khi cô bạn tôi còn đang ngần ngừ thì tôi tiếp tục mơ mộng: “Mình sẽ đặt tên cho cuốn sách là gì nhỉ? Hình như đã có một cuốn gọi là Allons-y rồi. Vậy thì mình sẽ đặt tên cuốn sách của mình một cách thân mật hơn, cũng trong chiều hướng đó. Cô nghe tên này có được không: VAS-Y – Cours de langue française pour les hispanophones?”

Các bạn thấy không? Tôi đang dệt một ước mộng khác! Giấc mộng đó có thành hay không thì cũng chẳng hề gì. Điều quan trọng là chỉ nghĩ đến nó thôi mà lòng tôi đã thấy mê man, lâng lâng sung sướng. Có một bài hát nhan đề là Tôi đang mơ giấc mộng dài. Chẳng phải là tất cả chúng ta đều đang mơ một giấc mộng dài đó sao? Trong giấc mộng dài đó, có muôn ngàn giấc mộng nhỏ. Mỗi giấc mộng nhỏ lại chất chứa biết bao nhiêu là giấc mộng bé xíu. Cả một cuộc tồn sinh này chỉ là mộng, lồng trong mộng, lồng trong mộng… mãi mãi không bao giờ dứt. Ồ không, một ngày nào đó, mộng lớn mộng nhỏ gì rồi cũng sẽ là… mộng! Lúc ấy, ta sẽ vui vẻ mà từ biệt trần gian muôn màu và đọc lên những câu thơ dễ thương của Bùi Giáng:

               Giã từ cõi mộng điêu linh,

               Tôi về buôn bán với mình phôi pha.

               Mình ơi, tôi gọi bằng nhà.

               Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi.

 

Trần C. Trí

 

5 thoughts on “HỌC ASSIMIL – DẠY ASSIMIL

  1. ở Việt nam thì mua sách Assimil ở đâu ạ?

  2. Chào bạn! Tôi ở California nên không biết ở Việt Nam có bán loại sách này không. Bạn có thể mua trên Amazon nhưng tiền cước phí quốc tế đến VN rất cao. Tôi copy một cái link làm ví dụ để bạn vào xem thử nhé. Chúc bạn một cuối tuần vui! :=)

    http://www.amazon.com/French-Ease-Assimil-Method-Books/dp/2700520130/ref=sr_1_2?ie=UTF8&qid=1440876003&sr=8-2&keywords=assimil

  3. I could not resist commenting. Well written!

  4. Thật tuyệt vời, thật tự hào khi một người Việt Nam lại đi dạy tiếng Tây Ban Nha bằng tiếng Pháp. Thế giới thật mênh mông.

    Le vietnamien sans peine cũng được đông đảo người Pháp tìm mua để học.

    Sài Gòn – 7-2019.

Leave a comment