HỒNG TRẦN PHÔI PHA

MỖI LẦN NGÓ LẠI MƯỜI NĂM, MƯỜI LẦN NGÓ LẠI HỒNG TRẦN PHÔI PHA…

CHUYỆN VỀ NHỮNG THỨ TIẾNG

2 Comments

global-world-flags1

          “Ôn cố tri tân”. Xin bắt đầu từ một chuyện cũ để nói về một hiện trạng. Ngày xưa có một thời tôi đi học tiếng Pháp buổi tối ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp (Centre Culturel Français). Gọi là trung tâm cho oai cứ chỉ có lèo tèo hai, ba lớp. Thuở đó, có ba giáo sư, mà hết hai người đã là vợ chồng với nhau rồi! Cặp vợ chồng giáo sư người Pháp đó, tôi còn nhớ tên là Sarrasin. Monsieur Sarrasin, như lũ học trò bé chúng tôi vẫn gọi ông, người to lớn, có râu quai nón, ăn nói hùng hổ, bọn chúng tôi sợ khiếp vía. Nhìn ông là chúng tôi phải liên tưởng ngay đến ông yêu râu xanh trong chuyện cậu bé tí hon và đôi hia bảy dặm! Cũng may là tôi không phải học lớp của ông, mà lại được học với vợ ông, Madame Sarrasin. Bà dịu dàng, đằm thắm, tuy đôi mắt xanh lè của bà cũng làm cho chúng tôi  ngán ngẩm mỗi lần bà trợn tròn lên vì không hài lòng với điều gì chúng tôi làm. Ngày xưa sao mà dễ thương! Tôi học với lũ bạn cùng lứa lẫn với những người lớn ở đủ độ tuổi khác nhau. Cùng lứa với tôi thì có Bảo (bố mẹ có một căn biệt thự thật đẹp nhìn ra biển Nha Trang), Lãng (Pharmacy Khánh Hòa), Tuyết Anh (bố là bạn của ba tôi). Về người lớn, tôi còn nhớ có chị Kiều Oanh (rất thân với tôi, học trường Thánh Tâm, sau này định cư ở Đức) và bà bác sĩ Thạch. Bà này là phu nhân của bác sĩ Thạch, theo như mẹ tôi nói, ngày xưa là một hoa khôi. Thật vậy, lúc bà học trong lớp tôi, bà cũng đã trạc năm, sáu mươi tuổi rồi mà nhìn vẫn rất mặn mà.

          Nhưng điều tôi nhớ hơn là những lúc vui chơi với những đứa bạn cùng lứa. Bảo ngồi cạnh tôi, lúc nào cũng thủ thỉ nói chuyện lén cùng tôi trong lớp. Lãng ngồi xa tôi, lâu lâu chúng tôi mới trao đổi vài câu với nhau lúc ra chơi. Còn Tuyết Anh thì thường chơi đùa với tôi vào giờ ra chơi.  Các lớp tiếng Pháp chúng tôi học nằm trong một ngôi trường mà trước đây là Collège Français. Sau này trường giao lại cho Trung Tâm Giáo Dục Hàn Thuyên, một trường học dạy chương trình nửa Việt nửa Pháp. Vào giờ ra chơi, Tuyết Anh cùng tôi và một vài đứa bạn khác chạy qua bên khu chính của trường Hàn Thuyên để chọc phá những con chim mà ông cai trường nuôi trong lồng. Ông cai ở luôn trong trường nên có thể canh những con chim để chúng tôi khỏi chọc phá. Tôi còn nhớ Tuyết Anh người nhỏ nhắn, thanh thanh, nước da trắng, tóc tém và vô cùng lém lỉnh. Chúng tôi chạy qua khu nhà ở của ông cai, chòng ghẹo những con chim làm cho chúng hoảng hốt kêu lên quang quác. Thế là ông cai lại chạy ra rượt đuổi chúng tôi. Cả bọn ù té chạy, cười dòn dã. Tiếng cười của chúng tôi vang dội cả một góc hành lang vắng lặng của ngôi trường về đêm. Vừa chạy, Tuyết Anh vừa hổn hến nói tiếng Tây: “On a embêté l’oiseau de monsieur Cai…dù!” Các bạn để ý nhé, Tuyết Anh không nói nhầm đâu. Cái lồng của ông cai có mấy con chim lận, nhưng thay vì dùng số nhiều là les oiseaux thì cô nàng lại cố ý dùng số ít là l’oiseau, vì sao thì các bạn đã hiểu rồi đấy!

la france

          Rồi giờ ra chơi nào cũng hết. Chúng tôi lại trở lại với lớp học, cặm cụi với chữ nghĩa tiếng Tây. Hồi đó, chúng tôi học cuốn La France en direct, như hình kèm theo đây. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc với phương pháp thính thị mới mẻ của việc học ngoại ngữ. Khác với ở trường ban ngày, nơi chúng tôi học tiếng Anh với bộ sách English for Today và tiếng Pháp với bộ Cours de langue et civilisation (mà hồi đó thường được gọi nôm na là cuốn Mauger, tên của tác giả) với cách học từ chương, buồn ngủ, thì ở Trung Tâm Văn Hoá Pháp, các thầy cô dạy bằng một phương pháp sinh động hơn. Madame Sarrasin dùng một tấm bảng bằng nỉ. Trên đó, bà dán hình những nhân vật theo như trong bài học. Bà trình bày những đoạn đối thoại trong bài. Cứ đến lượt ai nói, bà lại dán hình cái vòng tròn thường để lời đối thoại như trong những cuốn truyện tranh kế bên nhân vật đang nói đó. Đoạn bà giả nhiều giọng khác nhau để đọc lên lời đối thoại của từng nhân vật và bắt chúng tôi lập lại. Cách học tuy đơn giản này xem ra  thật hữu hiệu. Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng trong đầu tôi vẫn chợt loé lên những câu đối thoại đã học mấy chục năm về trước đó. Học xong lớp bà Sarrasin, tôi lên lớp và được học với ông Tuilerie. Ông giáo này hình như là gốc Ấn-độ, tóc quăn, nước da đen, có ria mép, má lúm đồng tiền, cũng bô trai ra phết. Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò, tôi nhớ mình có lần đã nói sau lưng ông thầy dễ mến của tôi. Trong lúc ông đang cặm cụi ghi ghi chép chép trên bảng, tôi giả vờ hỏi Bảo bằng tiếng Việt, làm như thật tình không biết: “Ê Bảo! Nếu là người Pháp mà da đen thì mình gọi là tây đen, phải không?” Ông Tulerie nghe tiếng thì thào của tôi, ngoái lại nhìn. Tôi nhìn lại ông bằng cặp mắt thản nhiên, ngây thơ vô số tội, làm như không có gì xảy ra hết. Ông không nói gì cả, quay lưng lại, tiếp tục viết lên bảng. Một hôm, đang giờ ra chơi, tôi và mấy đứa bạn đứng trên thềm trước lớp, cạnh một cây lựu. Tôi hỏi một đứa đứng gần: “Cây lựu nói tiếng Pháp như thế nào há?” Đứa bạn tôi chưa kịp trả lời thì ông Tulerie, cũng đang đứng gần đó, nhìn tôi và nói: “On l’appelle la grenade”. Tôi nghe ông Tuilerie trả lời như vậy mà rụng rời tay chân. Như vậy là ông hiểu tiếng Việt, và cũng có nghĩa là hôm trước ông cũng hiểu tôi nói lén sau lưng ông cái gì. Tôi vừa xấu hổ, vừa hối hận. Nhắc lại chuyện này, cảm giác xấu hổ và hối hận của mấy mươi năm về trước như vẫn còn đây.

arby's

          Vặn nhanh khúc phim về phía trước, cho đến cách đây khoảng mười năm. Lúc đó tôi đã ra trường và đi dạy được vài năm. Một hôm gia đình tôi, gồm vợ tôi, con gái và tôi, ghé tiệm Arby’s để thử món sandwich kẹp thịt sườn ngọt nổi tiếng của tiệm này. Hôm ấy, tôi có mang theo một cái phiếu giảm giá và khi trả tiền tôi kèm cái phiếu này chung với tiền mặt. Cô thu ngân viên người Mễ nhìn cái phiếu giảm giá rồi ngước lên nhìn tôi. Cô vừa tính tiền vừa nói với nói với một cô bán hàng khác bằng tiếng Tây-ban-nha: “Mira. ¡Este tipo tiene la cara de hambre!” (‘Coi kìa, anh chàng này có cái bản mặt đói bụng!’) Nói rồi, cô ngước lên nhìn tôi, cũng bằng cặp mắt thản nhiên như tôi đã nhìn người thầy dạy tiếng Pháp của tôi bao nhiêu năm về trước. Tôi nuốt giận, trả tiền cho cô, không nói gì cả. Tôi không biết cô ta nói như vậy có ý gì kỳ thị không, và nếu như vậy thì đó là kỳ thị chủng tộc (vì chúng tôi là Á châu) hay kỳ thị…kinh tế (vì tôi dùng phiếu giảm giá)? Tôi đứng đợi lấy bánh rồi cùng cả nhà tìm một cái bàn ngồi ăn. Vừa ăn tôi vừa kể cho vợ tôi nghe chuyện vừa xảy ra. Ăn uống xong xuôi, tôi trở lại chỗ quầy và hỏi gặp người quản lý. Ông này cũng là người Mễ. Tôi dùng tiếng Tây-ban-nha và kể lại cho người quản lý nghe những gì cô thu ngân đã nói về tôi. Lúc này cô ta đang làm gì đó ở trong bếp. Cũng bằng tiếng Tây-ban-nha, tôi bảo người quản lý: “Ông nên để ý đến cách làm việc và ăn nói của các nhân viên của mình. Nhờ ông nói với cô ấy rằng thời buổi này, người nào cũng có thể nói được bất cứ tiếng nào cả. Đừng nhìn bề ngoài của một người mà đoán người đó biết nói hay không biết nói một thứ tiếng nào đó nhé!” Người quản lý thay mặt cô nhân viên xin lỗi tôi. Tôi cũng nói cám ơn ông rồi cùng cả nhà ra về.

Ngày xưa, tôi may mắn không bị phạt vì dùng tiếng Việt nói lén ông thầy, nhưng tôi chắc cô bán hàng người Mễ không ít thì nhiều cũng bị người quản lý quở trách. Giữa tôi và cô ta, tuy mỗi người gặp một hậu quả khác nhau, chúng tôi chắc đã học cùng một bài học. Bài học đó có ít nhất là hai điểm chính: Thứ nhất, chúng ta không thể biết chắc được những người chung quanh mình biết nói được những thứ tiếng nào; thứ hai, ngôn ngữ nên là phương tiện để chuyên chở những điều tốt đẹp đến cho mọi người chứ không phải là những lời lẽ làm buồn lòng người khác.

Trần C. Trí

2 thoughts on “CHUYỆN VỀ NHỮNG THỨ TIẾNG

  1. Cháu chào bác ạ,

    Hôm nay, trong lúc lượn lờ trên mạng để tìm tài liệu tự học tiếng Pháp, cháu đã phát hiện ra blog của bác. Cháu ước gì mình đọc được những gì bác chia sẻ sớm hơn!

    Cháu cũng có niềm đam mê rất lớn đối với ngôn ngữ, cách đây 6 – 7 năm cháu tự mày mò học tiếng Anh đến quên ăn quên ngủ, vừa vì sở thích, vừa vì mong muốn được đi du học để mở mang đầu óc (rất tiếc đến giờ cháu vẫn chưa thực hiện được dự định này). Sau đó cháu học thêm tiếng Trung và Hán Nôm trong 3 năm cấp 3; còn hiện giờ cháu đang bập bẹ học chút ít tiếng Nhật để thuận tiện cho công việc nghiên cứu (cháu học ngành Japanese Studies tại trường ĐH). Cháu tự nhận thấy việc các thứ tiếng nước ngoài còn giúp mình hiểu thêm nhiều điều về lịch sử phát triển của chính tiếng Việt nữa ạ.

    Mặc dù các ngôn ngữ cháu học chủ yếu là các ngôn ngữ Á Đông, nhưng thực ra cháu vẫn luôn cảm thấy yêu thích ngôn ngữ và văn hóa châu Âu hơn, không biết tại sao mà thấy chúng thật gần gũi, thân thuộc với lối sống và cách suy nghĩ của mình, nhất là khi cháu tự đọc thêm những cuốn sách về tư tưởng của các triết gia Tây phương. Cháu còn thích cả cấu trúc ngữ pháp, cả từ vựng và cách phát âm nữa!

    Hiện giờ cháu cũng đang học tiếng Pháp buổi tối ở Trung tâm văn hóa Pháp ngoài Hà Nội, và tình cờ cũng dùng cuốn Cours de langue et civilisation của Mauger để tự học (mặc dù nó đã cũ lắm rồi ạ, của ông ngoại cháu ngày xưa để lại). Mong ước của cháu cũng “đơn giản” lắm ạ, chỉ là ngày nào đó được đặt chân lên thật nhiều nơi khác nhau trên thế giới mà không gặp phải rào cản về ngôn ngữ!

    Cháu cảm ơn bác một lần nữa vì trang blog này ạ. Cháu hy vọng bác vẫn tiếp tục viết thêm nữa, để những người như cháu có thêm động lực và cảm hứng theo đuổi niềm đam mê đối với ngôn ngữ.

  2. Chào Linh! Cám ơn bạn đã tâm sự với tôi về niềm đam mê học ngôn ngữ. Vì cùng sở thích nên tôi rất hiểu tất cả những gì bạn chia xẻ. Có người nói, biết thêm được một thứ tiếng là sống thêm được một cuộc đời nữa! Mong có ngày bạn được thoả ước mơ, đi đến một số nước trên thế giới để được sử dụng vốn liến ngôn ngữ của mình. Thật ra, trong thế giới Internet ngày nay, chúng ta có thể “tiếp xúc” với thế giới bên ngoài mà không cần đi đâu cả, phải không bạn? Xin thân chúc bạn nhiều sức khoẻ và mọi may mắn trong việc học hành nhé! :=)

Leave a comment