HỒNG TRẦN PHÔI PHA

MỖI LẦN NGÓ LẠI MƯỜI NĂM, MƯỜI LẦN NGÓ LẠI HỒNG TRẦN PHÔI PHA…

VÕ PHIẾN—ĐẾN/ĐI/VỀ

2 Comments

võ phiến

Nhà văn Võ Phiến vừa từ giã chúng ta vào tuần trước (28-IX-2015). Lúc ông còn sinh tiền, đã có rất nhiều vài báo, bài khảo luận viết về ông. Sau khi ông mất, càng có thêm nhiều bài viết để tưởng niệm ông. Mỗi bài viết được nhìn từ những góc độ khác nhau. Bài viết này xin được phân tích cái nhìn của ông về hai lẽ sống chết qua hai bài thơ ngắn của nhà văn. Sống và chết là hai trong những mối bận tâm hàng đầu của mỗi con người vô thường chúng ta. Sự sống và cái chết là hai điều đương nhiên, bất di bất dịch. Tuy nhiên, con người cố gắng nhận nhìn hai hiện tượng này theo nhiều cách khác nhau, như một cách đối phó với lẽ vô thường của trời đất. Từ lâu, theo quan niệm triết lý đông phương, chúng ta thường bảo nhau “Sinh ký, tử quy”, hay nôm na là “Sống gởi, thác về”—sống chỉ là gửi thân tạm bợ chốn trần gian, còn chết mới là trở về nơi vĩnh hằng. Tuy vậy, theo nhiều người, sống là “ở” mà chết lại là “đi”; chẳng vậy mà khi ai đó vừa qua đời, chúng ta ngậm ngùi bảo rằng người đó đã “đi” rồi. Theo một cách nhìn khác, sống là “còn” và chết là “mất”, vì chúng ta rất thường dùng chữ “mất” để tránh đi chữ “chết” quá đỗi phũ phàng. Cũng có nhiều khi chúng ta nói ai đó đã “khuất” rồi, để nói lên một quan niệm khác là một người khi đã chết không hẳn là đã ra đi mãi mãi mà chỉ lánh đi ở một nơi nào đó thôi, duy người trần mắt thịt chúng ta không thấy được. Bao nhiêu từ ngữ khác nhau đó đã nói lên tâm trạng hoang mang của con người đối với cái chết, một hiện tượng tuy rõ ràng mà cũng vô cùng khó hiểu. Thế thì nhà văn Võ Phiến quan niệm ra sao về hai điều sống chết? Trước hết, có lẽ ông là một trong những người hiếm hoi có quan niệm rất khác thường về cái chết. Đối với ông, không những con người (les mortels) là có thể chết đi, mà ngay cả đến người chết rồi cũng còn chết được nữa (xin mời đọc truyện ngắn Đến khi ma chết của Võ Phiến). Tuy nhiên, để phân tích quan niệm sống chết của Võ Phiến qua toàn bộ tác phẩm đồ sộ của ông hẳn phải viết nên một cuốn sách, hay một luận án tiến sĩ về văn chương hay triết học, mới tạm gọi là đầy đủ. Trong phạm vi nhỏ bé của bài viết này, chúng ta sẽ chỉ cùng nhau xem qua hai bài thơ rất ngắn của ông. Trong hai bài thơ tuy ngắn đó, Võ Phiến đã dùng nhiều động từ khác nhau để chỉ về sự sống và cái chết. Những động từ chỉ sự di chuyển này (les verbes de mouvement) đã nói lên cách nhận nhìn của nhà văn đối với lẽ vô thường của trời đất, khác nhau theo từng giai đoạn của cuộc sống, và xem chừng cũng hoang mang không kém những người bình thường như chúng ta.

Khi cuộc chiến tranh quốc-cộng kết thúc với miền Nam rơi vào tay những người lính miền Bắc, Võ Phiến cũng ra đi như rất nhiều người chạy trốn chế độ cộng sản khác. Ông viết một bài thơ ngắn vào giai đoạn hỗn quân hỗn quan này ở miền Nam và những ngày đầu tiên lạc lõng trên xứ người. Trong bài thơ, ông dùng động từ “đi” để chỉ việc di chuyển từ một nơi này sang nơi khác. Còn động từ “về” thì có thể hiểu theo hai nghĩa. Chúng ta hãy cùng đọc bài thơ này:

Về
Ra đi tuổi chẵn năm mươi
Năm mươi tuổi nữa nào nơi ta về
Ngàn năm mây trắng lê thê
1975

Trong câu Năm mươi tuổi nữa nào nơi ta về, chúng ta có thể đoán được là Võ Phiến thắc mắc đối với việc “về” một cõi khác nhiều hơn là việc về lại quê hương (vì lúc ấy ông sẽ 100 tuổi, cũng khó mà mường tượng ra ngày về lại Việt Nam). Như vậy, trong giai đoạn nửa đời người của ông, Võ Phiến cũng quan niệm như số đông rằng “chết” có nghĩa là “về”, theo triết lý “sinh ký tử quy”. Tuy nhiên, 23 năm sau, vào năm 1998, ông có viết một bài thơ ngắn khác (cũng đề cập đến cái chết) mà ông đề trên một tấm thiệp để dành cho ngày ra đi của ông sau này. Ông đặt tên cho tấm thiệp là Tạ từ. Bài thơ đó như sau:

Đến
Mải miết ra đi đâu tính đến
Đến nơi nào?
Bảy tám mươi năm rồi cũng đến
Đến rồi sao?
XI. 1998

Trong bài thơ thứ hai này, Võ Phiến cũng dùng hai động từ chỉ sự di chuyển. Động từ thứ nhất là “đi”. Ở đây, chúng ta không thấy ông thay đổi gì về quan niệm “đi” cả, vì khi ông nói mải miết ra đi, ông vẫn vẽ ra cho chúng ta thấy hình ảnh của một người đi từ nơi này qua nơi khác, loanh quanh trên trần thế này. Thế nhưng động từ “đến” của ông lại mang hơn một ý nghĩa. Nghĩa thứ nhất là việc “đến” của giai đoạn cuối của cuộc đời, ngày “đến” của cái chết (ý nghĩa này có thể được diễn giải qua câu thứ 3). Trong câu 1 và câu 2, ông lại dùng động từ “đến” với một ý nghĩa khác. Trái với bài thơ 23 năm về trước, khi vào tuổi gần đất xa trời, Võ Phiến không còn nghĩ đến cái chết như là việc đi “về” một nơi nào nữa, mà là đi “đến” một nơi khác. Ngày xưa ông tự hỏi …nào nơi ta về? Lúc tuổi xế chiều, ông lại băn khoăn …đâu tính đến và không biết… đến nơi nào? Trong câu cuối cùng, vì không có chủ từ, ta có thể hiểu động từ “đến” bằng hai cách khác nhau. Có thể hiểu câu này là [Cái chết] đến rồi sao? mà cũng có thể hiểu là [Ta] đến [một nơi khác] rồi sao? Đây chắc không phải thuần túy là việc thay đổi chữ nghĩa để văn phong được đa dạng hay phong phú, mà rõ ràng là một thay đổi lớn lao trong quan niệm của tác giả. “Về” có nghĩa là hướng đến một nơi chốn cuối cùng, hay là nơi trước kia bắt đầu ra đi cũng vậy. Còn “đến” là hướng đến một bến bờ mới, có thể chỉ là một nơi tạm bợ, để còn đi đến những bờ bến khác nữa. Nếu “về” thường mang lại cho chúng ta một cảm xúc bình an, dễ chịu vì chúng ta hướng đến một nơi quen thuộc, thì “đến” có thể khiến chúng ta lo âu, thậm chí sợ hãi, vì chưa biết nơi chốn mới sẽ như thế nào. Khi trẻ tuổi, còn xa cái chết, chúng ta có thể bình tĩnh mà triết lý hoá giai đoạn cuối cùng của cuộc sống. Lúc tuổi đã cao, cận kề đoạn kết, thật cũng khó mà vẫn ung dung đón nhận sự chấm dứt đó bằng một thái độ hoàn toàn an tâm và sáng suốt.

Võ Phiến vừa mới qua đời. Hãy còn quá sớm để ông có thể biết chuyến đi của mình là “về” hay “đến”. Nguyễn Du, trong truyện Kiều, không tin rằng chết là hết; thác là thể phách, còn là tinh anh. Bất cứ ai khi chết đi về thể xác cũng còn lại phần linh hồn mà nhiều người tin là bất diệt, huống hồ là những con người khi còn sống đã có những tác phẩm sáng tạo như văn chương, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học… Những con người sáng tạo như thế, như Võ Phiến là một, còn “sống” thật mạnh mẽ và lâu dài qua những công trình sáng tạo của mình cho đến bao nhiêu là thế hệ nữa. Tuy nhiên, nói gì thì nói, có muốn triết lý hoá cái chết của Võ Phiến hay làm cho những tác phẩm của ông trở thành bất diệt, chúng ta cũng không thể nào phủ nhận một thực tế rõ ràng là chính nhà văn đã không còn “ở” với chúng ta nữa. Rất nhiều, rất nhiều người, trong cũng như ngoài nước, đang tiếc thương ông. Trong niềm thương tiếc chung, mỗi chúng ta cũng có thể thương tiếc ông theo nhiều cách riêng nữa, tuỳ theo mối quan hệ của mình đối với nhà văn. Gia đình của ông, bạn bè, đồng nghiệp của ông, độc giả của ông, mỗi người thương tiếc ông theo một cách. Tôi chỉ là một độc giả bình thường của ông. Về tuổi đời, tôi đáng hàng con cháu ông. Về kiến thức và tài năng, tôi vào hạng học trò của học trò ông! Tôi chưa bao giờ được gặp ông, nhưng vẫn thường lấy làm hãnh diện ngầm là mình có cùng gốc miền Trung như ông (một trăm phần trăm thấy sang bắt quàng làm họ!). Gần đây, tôi lại tình cờ có một mối  duyên văn nghệ (thật mỏng manh) với ông, đó là tôi đã chọn truyện ngắn Thương hoài ngàn năm của ông, bên cạnh một số truyện ngắn của các tác giả khác, được dịch giả người Hoa Kỳ là James Banerian dịch sang Anh ngữ, để dạy trong lớp văn chương Vietnamese 150, Short Stories in Translation, tại đại học UC Irvine vào khoá học mùa Thu 2015 năm nay. Ngoài Võ Phiến ra, những tác giả khác được giới thiệu trong khoá học này gồm Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Nguyễn Thị Vinh, Nhã Ca, Lê Tất Điều, Duyên Anh và Nhật Tiến. Trong các tác giả thời tiền chiến, chỉ còn nhà văn nữ Nguyễn Thị Vinh là còn sống, cũng cao tuổi lắm rồi. Còn trong lớp nhà văn miền Nam, Duyên Anh đã mất khá lâu, và những nhà văn khác cũng đều cao tuổi. Lớp tôi dạy mới bắt đầu được hai tuần, đang thảo luận truyện ngắn đầu tiên, Cô hàng xén của Thạch Lam. Tôi vẫn đang chuẩn bị thêm một vài sinh hoạt phụ cho các truyện ngắn kế tiếp. Trong số các nhà văn miền Nam đang cư ngụ ở Nam California, tôi liên lạc được với hai vị. Nhà văn thứ nhất là Lê Tất Điều. Tôi sẽ dạy truyện ngắn Một phần sáu mươi của ông, nhưng không tìm ra được nguyên bản tiếng Việt. Qua sự giới thiệu sốt sắng của nhà văn Quyên Di, tôi được nhà văn Lê Tất Điều (hiện sống ở San Diego) ưu ái gởi cho một bản chép tay do một người cậu viết lại vào năm 1975. Ở vùng Little Saigon nơi tôi ở, tôi mời nhà văn Nhã Ca đến nói chuyện với sinh viên của tôi về truyện ngắn của bà mang tên Truyện cho những tình nhân (trước đây tôi đã có lần gặp bà về một việc có liên quan đến phong trào Việt ngữ ở địa phương), và rất may mắn đã được bà nhận lời. Mọi việc đang trong giai đoạn chuẩn bị thì tôi đọc báo thấy tin Võ Phiến qua đời. Vào lớp, tôi bùi ngùi báo cho sinh viên biết rằng một trong những nhà văn mà các em sắp học đến vừa mất (những sinh viên này thuộc nhiều quốc tịch khác nhau vì lớp giảng bằng tiếng Anh). Nhìn vẻ tiu nghỉu của các em, tôi vội an ủi rằng sẽ có một nhà văn nữ đến nói chuyện với cả lớp. Thế là tôi thấy ánh mắt của các em lại lộ vẻ hân hoan. Quan sát sự thay đổi cảm xúc của các em sinh viên, tôi chợt nghiệm ra một điều. Võ Phiến mất đi, để lại rất nhiều thương tiếc. Càng thương tiếc ông bao nhiêu, chúng ta cũng càng nên trân quý những nhà văn hiếm hoi đang còn ở với chúng ta, bằng cách này hay cách khác. Về phần tôi, tôi không thể nào liên lạc hết với những nhà văn còn lại trong chương trình dạy của mình vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, được may mắn liên lạc với hai trong số các nhà văn đó, và được các vị hoan hỉ giúp đỡ, ủng hộ, tôi cảm thấy thật ấm lòng đã làm được một việc nhỏ nhoi để thể hiện lòng trân quý đó. Tôi đang đóng vai của một chiếc cầu nhỏ nối những tác phẩm văn học Việt Nam một thời vang bóng với một nhóm sinh viên thuộc thế hệ trẻ, vừa Việt Nam vừa ngoại quốc. Qua những tác phẩm của các nhà văn này, các em sẽ học được những nét đẹp trong văn chương và văn hoá Việt. Trong số các tác giả của những truyện ngắn trong lớp tôi, nhiều vị đã ra người thiên cổ từ lâu, lâu lắm. Có vị mới qua đời như Võ Phiến, và cũng còn nhiều vị vẫn quanh đây. Nhưng cho dù một số vị đã “về” hay đã “đến”, hoặc những vị vẫn còn đang “đi” từ nơi này sang nơi khác trên cuộc đời này, tất cả những nhà văn đó vẫn tụ về một nơi chốn chung nhất. Nơi đó chính là ngôi nhà văn chương Việt Nam, nơi các vị chia xẻ với nhau, và với muôn ngàn độc giả, những tâm tư, những tình cảm được diễn tả bằng nhiều tài năng khác nhau, thông qua nét đẹp mộc mạc mà thâm trầm của ngôn ngữ Việt.

Trần C. Trí

2 thoughts on “VÕ PHIẾN—ĐẾN/ĐI/VỀ

  1. Bài viết rất hay.
    Võ Phiến lừng lững như vậy mà ở trong nước, tôi chỉ đọc được vài trích đoạn từ Phạm Thị Hòai và Thụy Khuê. Thật vừa vô lý vừa đáng tiếc.
    Câu của Võ Phiến:
    Ra đi tuổi chẵn năm mươi
    Năm mươi tuổi nữa nào nơi ta về
    khi đọc lên tôi muốn sửa: Năm mươi năm nữa NơI NAO ta về. Có phạm thượng không bác? đọc lên cũng thấy có phong vị nao nao đó chứ bác!

  2. Thăm bác! Nhà văn thì không còn nữa, nhưng sự nghiệp văn của ông vẫn còn đó. Bác đọc vẫn chưa muộn. Vừa rồi tôi có dạy trong lớp văn chương ở đây bản dịch tiếng Anh của truyện ngắn THƯƠNG HOÀI NGÀN NĂM của ông cho sinh viên Mỹ học. Đọc lại nguyên tác tiếng Việt của ông, thấy tuyệt bác ạ! Ông phân tích tâm lý thật tỉ mỉ, sâu sắc. Về việc bác đề nghị chữ NƠI NAO thày cho NÀO NƠI, tôi nghĩ như thế này: NƠI NAO của bác hợp với cú pháp tiếng Việt hơn, và thanh ngang của chữ NƠI làm cho câu hỏi thêm phần bối rối so với thanh huyền của chữ NÀO. Song bác bị kẹt ở chỗ này (và tôi nghĩ tác giả chắc cũng đã xét đến việc này): chữ NAO của bác không vần được với chữ MƯƠI ở trên, trong khi chữ NƠI của Võ Phiến đã làm được nhiệm vụ đó. Ấy, được cái này thì mất cái kia là vậy đó bác ạ!

Leave a comment