HỒNG TRẦN PHÔI PHA

MỖI LẦN NGÓ LẠI MƯỜI NĂM, MƯỜI LẦN NGÓ LẠI HỒNG TRẦN PHÔI PHA…

Truyện ngắn: MÙA CHƯA XANH LÁ

Leave a comment

Nhấn vào đây để đọc trên damau.org:

https://damau.org/66079/ma-chua-xanh-l

Trần C. Trí ♦ 23.10.2020 

Một trong những sinh hoạt không thể thiếu của mỗi lần hội ngộ cựu học sinh là tờ đặc san học trò. Những tờ đặc san đó là những kỷ niệm của mỗi chúng ta về ngôi trường xưa cũ, đong đầy biết bao nhiêu là ký ức hồn nhiên và đẹp đẽ của thuở mài đũng quần trên ghế nhà trường. Chắc ai trong giới học trò ngày xưa cũng ít nhiều yêu thích đọc sách, đọc báo. Một số lớn còn viết truyện, làm thơ đăng báo. Tôi có thể đem chính mình ra làm dẫn chứng cho điều này. Tôi không thể nào quên được cảm giác háo hức lúc tan trường vào mỗi chiều cuối tháng, chạy nhanh về sạp báo gần nhà để mua tờ Tuổi Hoa mà tôi đã ngóng chờ ròng rã cả tháng trời. 

Những người mê sách báo hẳn còn nhớ những sạp báo nhỏ ngày xưa giăng đầy những tờ tạp chí dành cho người lớn lẫn trẻ em, bìa in offset đủ màu đủ sắc. Tờ nào cũng thơm lừng mùi mực mới. Có một dạo, lúc anh chàng đạp xe đưa nhật báo cho nhà tôi vẫn còn làm công việc này, mẹ tôi đặt mua thêm mấy tờ tạp chí cho tôi. Những lúc đúng vào dịp có một trong những tờ tạp chí đó phát hành, tờ nhật báo giao cho tôi nắn vào thấy cồm cộm bên trong. Tôi sung sướng biết rằng hôm đó tôi lại có dịp say sưa thưởng thức tờ tạp chí quên cả ăn, cả ngủ.

Cũng như rất nhiều người cùng trang lứa, tôi mua hầu hết những tạp chí dành cho tuổi trẻ của miền Nam thời đó: Thằng Bờm, Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Ngàn Thông, Tuổi Ngọc. Tôi đắm chìm vào thế giới thần tiên của văn chương, chữ nghĩa, của những bìa báo với minh hoạ dễ thương, xinh xắn. Có những hình trên bìa báo, những tác giả, những truyện ngắn mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ. Thế rồi tự bao giờ chẳng biết, tôi bắt đầu tập tễnh làm thơ viết văn, gởi tác phẩm của mình đến những tờ tạp chí đó. Thành tựu văn chương thuở nhỏ của tôi cũng không đến nỗi tệ. Tổng kết “văn nghiệp” ngắn ngủi thời niên thiếu, tôi đã có một số bài thơ, sưu tầm, chuyện vui cười đăng trên Thiếu Nhi, hai truyện ngắn, một trên Thiếu Nhi và một trên Tuổi Ngọc. Tuổi Hoa và Thằng Bờm, tiếc thay, chưa một lần chiếu cố đến thơ văn của tôi!

Vào năm tôi học lớp Chín, tờ đặc san hè của trường trung học Võ Tánh Nha Trang kêu gọi học sinh đóng góp bài vở. Với một chút “thành quả văn chương” trên hai tờ báo thiếu nhi đương thời, tôi mạnh dạn viết một truyện ngắn gởi đến ban biên tập. Vào thuở đó, một số tác giả thích lấy những câu thơ, câu văn hay câu nhạc của các tác giả nổi tiếng để làm tựa đề cho truyện ngắn của mình. Tôi còn nhớ cây bút Ngọc Minh có đăng một truyện ngắn trong tờ Tuổi Ngọc với nhan đề là “Giữa Tường Trắng Lặng Câm”, trích từ bài “Ru Ta Ngậm Ngùi” của Trịnh Công Sơn. Vì muốn ra vẻ thời thượng, tôi cũng bắt chước chọn một nhan đề cho truyện ngắn của mình dựa theo lời ca của người nhạc sĩ mà tôi cũng ưa thích. Thế là truyện ngắn “Mùa Xanh Lá Vội” của tôi (trích từ bài “Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng”, cũng của Trịnh Công Sơn) được ra đời sau một đêm dài tôi thức trắng để miệt mài viết viết, xoá xoá.

Truyện viết xong, gởi đi rồi, tôi cũng quên bẵng vì bị cuốn hút vào việc học hành và những sinh hoạt khác. Cho đến một hôm, lúc tôi đang ngồi học trong lớp, có hai ba anh học trò lớp chắc là đang học lớp 11, 12 đến trước cửa lớp và xin giáo sư được gặp tôi. Nghe giáo sư gọi tên mình ra ngoài nói chuyện với các anh, tôi ngỡ ngàng bước ra khỏi lớp. Đứng ngoài hành lang của tầng lầu quay mặt ra cổng chính của trường, tôi rụt rè hỏi các anh:

– Các anh gặp em có chuyện gì ạ?

Một trong các anh hỏi lại tôi:

– Em là tác giả của truyện ngắn “Mùa Xanh Lá Vội” phải không?

Tôi lặng người đi một vài giây rồi khẽ gật đầu, lí nhí chữ “dạ” trong miệng.

Một anh khác nói:

– Tụi anh là trong ban biên tập của đặc san Võ Tánh năm nay. Truyện em viết khá lắm, nhưng có vài chỗ còn chưa được chỉnh.

Anh thứ ba tiếp lời:

– Em có thể viết lại mấy đoạn đó không? Rồi tụi anh sẽ cho đăng truyện của em.

Đoạn các anh nói rõ cho tôi biết chỗ nào cần phải viết lại. Tôi sung sướng hứa sẽ làm đúng như lời các anh dặn. Thế là đêm hôm đó tôi lại thức gần cả đêm để viết lại những chỗ cần sửa cho truyện ngắn của mình. Viết xong, tôi còn hứng chí sáng tác luôn một bài thơ nữa. Sáng hôm sau đi học, tôi hí hửng đem truyện ngắn vừa được hiệu đính và bài thơ mới kèm theo đến gặp ban biên tập để nộp vào. 

Lần này thì tôi không quên nữa, ngày đêm mong đợi đặc san phát hành để được tận mắt thấy tác phẩm của mình trong tờ báo hè. Lúc đó chắc tôi tha hồ đem khoe với bạn bè cùng lớp. Hẳn chúng sẽ vừa ganh tị, vừa hãnh diện có một thằng bạn cùng lớp có tác phẩm dược đăng trên tờ đặc san của trường. Biết đâu sau này thằng bạn đó lại không trở thành một trong những nhà văn chói sáng trên văn đàn miền Nam tự do nhỉ?

Tôi còn nhớ hôm ấy tờ đặc san được phân phát cho các tác giả có bài được đăng (còn các học sinh khác phải mua) trong văn phòng khá chật chội của thầy giám thị nằm gần hội trường. Đợi đến phiên, tôi hãnh diện đọc tên mình và sung sướng đón nhận tờ báo trên tay, hân hoan bước ra khỏi văn phòng. Chạy đến một góc trường, tôi hồi hộp ngồi xuống, lật nhanh tờ tạp chí để tìm truyện ngắn của mình (và biết đâu cả bài thơ mới gởi?). Tờ đặc san hè Võ Tánh năm ấy, tôi còn nhớ rõ, không được in bằng giấy trắng như tôi từng tưởng tượng. Trái lại, không hiểu sao nó lại được in trên giấy nhiều màu khác nhau, lại là thứ giấy có phẩm chất khá là tồi tàn. Lật mãi, lật mãi, từ trước ra sau, từ sau ra trước, tôi vẫn không thấy truyện ngắn của mình đâu. Chuyện gì đã xảy ra vậy? Không lẽ các anh trong ban biên tập cất công đến gặp tôi, bắt tôi sửa chữa chỗ này chỗ nọ trong truyện, để cuối cùng quyết định không đăng? Tôi nghẹn ngào, thẫn thờ lật từng trang báo như người vô hồn. Bỗng nhiên, tôi bắt gặp bài thơ của mình nằm trong góc của một trang báo, như một lời an ủi của ban biên tập dành cho tôi.

Tôi im lặng đọc lại bài thơ mình đã viết vội trong đêm khuya đó. Giá như chuyện này xảy ra ngày nay, chắc tôi đã tìm đến ban biên tập để hỏi cho ra lẽ vì sao cuối cùng truyện ngắn của mình không được xuất hiện trên đặc san. Tuy nhiên, ngày đó tôi là một cậu bé vô cùng nhút nhát, làm sao có thể cả gan đến chất vấn các anh thuộc thế hệ đàn anh của mình về một việc như vậy. Tôi chỉ đoán già đoán non trong bụng là chắc giờ chót ban biên tập không còn chỗ cho truyện ngắn của tôi vì tôi gởi lại sau cho họ so với các bài khác. Còn việc nhét một bài thơ vào trang báo chắc cũng không khó gì cho lắm.

Bài thơ mà tôi đã làm trong một phút đầy ngẫu hứng mà không ngờ lại được đăng là bài thơ lục bát dưới đây:

TRÊN VAI NGƯỜI NGỦ MUỘN MÀNG

Đê mê giấc ngủ chiều xưa,
Đến nay tưởng nhớ cũng vừa xót xa.
Thâm cung, tình đã phôi pha,
Cách xa như đã cách xa lâu rồi.
Bỏ tình lăn lóc rớt rơi,
Nhưng sao lòng vẫn chưa nguôi cơn sầu.
Tóc đang ngả nối hai mầu,
Không mong gì nữa mưa ngâu phai tàn.
Trên vai người ngủ muộn màng,
Giọt hồng chan chứa hai hàng vu vơ.
Thôi xin ngừng lại giấc mơ,
Kiếp người nghe đã bơ vơ bao lần.

Ối trời ơi, bây giờ đọc lại bài thơ này, tôi thấy ngượng chín cả người! Nếu không biết lai lịch của bài thơ, chắc độc giả sẽ ngỡ rằng “thi sĩ” vừa có tuổi (‘tóc đang ngả nối hai màu’), vừa từng trải trong tình trường (‘bỏ tình lăn lóc rớt rơi’), vừa gặp nhiều oan trái trong cuộc sống (‘kiếp người nghe đã bơ vơ bao lần’)! Có biết đâu tác giả chỉ là một cậu bé lớp Chín, hỉ mũi chưa sạch, miệng còn hôi sữa và chưa có bồ bao giờ cả. Lại nữa, bài thơ vẽ ra một cuộc tình vô cùng mỏi mệt, chán chường. Cô gái ngủ vật vờ trên vai chàng trai, trên mi vẫn còn đọng lại đôi dòng nước mắt (chắc là từ một lần giận hờn trước đó!). Tất cả những hình ảnh và cảm xúc đó được miêu tả lại như một bức tranh hoài niệm (‘đê mê giấc ngủ chiều xưa’), gợi lên ý tưởng rằng tác giả đang nhìn lại cả một quãng đời đã qua của mình, với những cuộc tình đã trở thành ký ức. Đây chính là một ví dụ hùng hồn của câu “Văn tức… không phải là người!”

Bài thơ trên tôi còn nhớ được sau mấy mươi năm vì nó ngắn và có vần điệu nên từ câu này có thể nhớ tiếp đến câu sau. Còn truyện ngắn “Mùa Xanh Lá Vội”, viết với bao nhiêu cảm xúc mà không có duyên được đăng, tất nhiên tôi không còn bản thảo nữa. Tuy vậy, tôi vẫn còn nhớ đại khái cốt truyện của nó. Nội dung của truyện cũng đơn giản, chỉ là một tình cảm nhẹ nhàng, mới chớm giữa một thiếu nữ và một thanh niên là hàng xóm của nhau. Nhà của hai người cách nhau bằng một hàng giậu có lá phủ đầy kín, một loại lá chỉ đặc biệt xanh ngăn ngắt vào mùa hè. Hai người hàng xóm trẻ tuổi làm quen với nhau và thường đứng hai bên hàng giậu để nói chuyện, để trao đổi với nhau những câu nói vu vơ nhưng cũng rất nhiều hàm ý. Hết mùa hè, chàng trai phải đi học xa và hứa hẹn sẽ về lại với cô gái khi mùa lá lại xanh vào mùa hè năm tới. Thế là một năm chờ đợi trở nên dài đằng đẵng tưởng như không bao giờ chấm dứt đối với người thiếu nữ. Mùa hè đến chưa, cô không biết, nhưng lá trên hàng giậu đã lại xanh ngăn ngắt, phơi phới như tấm tình non dại của người con gái mới lớn, mới vừa biết mong chờ một chàng trai. Câu chuyện không có một kết thúc rõ ràng, nhưng đây chính là hậu ý của người viết. Tác giả muốn người đọc đặt tờ tạp chí xuống, tự hỏi: “Lá đã vội xanh để mong chàng trai sớm trở lại với người thiếu nữ, hay lá đã xanh rồi mà chàng còn mải vui chơi ở đâu đó, quên mất lời hẹn thề với cô hàng xóm nơi quê nhà?”

Có những tác phẩm được xuất bản nhưng có thể cũng đã chìm trong quên lãng. Nhưng cũng có những tác phẩm thiếu may mắn chưa được xuất hiện trên báo chí, mà thông điệp của chúng, bằng cách này hay cách khác, biết đâu có thể ở lại trong tâm tư của một số người nào đó tình cờ đồng cảm với một âm điệu thân quen?

Trần C. Trí

bài đã đăng của trần c. trí

Leave a comment